Ngành Chăn nuôi gia cầm: Giảm giá thành vẫn khó
26/09/2019
Gia cầm, đặc biệt là gà ngoại đang ngày càng tiến sâu vào thị trường nội địa. Trong khi đó, giá thành chăn nuôi trong nước khá cao, khiến cho sức cạnh tranh của gà ta thấp. Tình trạng gà nội thất thế trước gà ngoại đặt ra câu hỏi về bài toán giảm giá thành chăn nuôi gia cầm trong nước.
Lấn sân
Tình trạng gà ngoại lấn sân gà ta diễn ra hàng chục năm qua, dù các phương tiện truyền thông và các bộ ngành liên quan đã cảnh báo, nhưng xu thế nhập khẩu gà ngoại vẫn mỗi năm một nhiều thêm.
Nhập khẩu thịt gà trong nửa đầu năm 2019 đạt trên 80.000 tấn (chủ yếu là đùi, cánh và chân gà) đạt tốc độ tăng trưởng xấp xỉ 10% so với năm trước. Trong khi đó, giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi 8 tháng đầu năm 2019 ước đạt 449 triệu USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2018. Rõ ràng nhập khẩu đang trở thành một xu thế trên thị trường sản phẩm chăn nuôi.
Ngành chăn nuôi trong nước đang đối mặt với tình trạng cầu lớn hơn cung do dịch bệnh. Ước tính tổng đàn heo của cả nước tháng 8/2019 giảm khoảng 18,5% so với cùng thời điểm năm 2018. Mặc dù tổng số gia cầm của cả nước tháng 8/2019 tăng khoảng 10% so với cùng thời điểm năm 2018, nhưng nguồn cung vẫn rất thiếu, đặc biệt các doanh nghiệp và trang trại tập trung nhiều cho Tết Nguyên đán.
ASF đã xảy ra tại hơn 7.000 xã thuộc 592 huyện của 63 tỉnh, thành phố với tổng số heo tiêu hủy là 4.426.236 con, với tổng trọng lượng là 255.505 tấn.
Lãnh đạo một tập đoàn sản xuất TĂCN tại Bình Dương cho phóng viên biết: “Hồi đầu năm chúng tôi rất lo lắng vì TĂCN tiêu thụ chậm, nhưng hiện nay, do Việt Nam đã phát triển các sản phẩm thay thế thịt heo nên nhà máy chúng tôi đã tiêu thụ được nhiều thức ăn thủy sản và thức ăn gia cầm. Sản lượng thức ăn tiêu thụ cũng tương đương với thời điểm trước ASF”.
Trong 8 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đã chi hơn 2,5 tỷ USD nhập khẩu nguyên liệu TĂCN, tăng 3,21% so với cùng kỳ năm 2018.
Mặc dù ngành chăn nuôi trong nước đã cân đối được cung cầu nhờ bù đắp sản lượng thủy sản và gia cầm cho thị trường nội địa, nhưng việc các doanh nghiệp phải nhập gà ngoại về tiêu thụ tại các thành phố lớn cho thấy sức cạnh tranh của gà ta trên thị trường vẫn chưa được cải thiện. Một trong những nguyên nhân là giá gà nhập khẩu quá rẻ với chỉ khoảng 20.000 đồng/kg gà nhập từ Mỹ.
Sức cạnh tranh kém
Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam cho biết, việc gà Mỹ nhập vào Việt Nam với giá rất rẻ có nhiều nguyên nhân. Ðiển hình là tập quán ẩm thực, tại Mỹ, cánh gà, chân gà được coi là phụ phẩm giá rất rẻ. Ða số phụ phẩm này được nhập khẩu vào Việt Nam. “Chân gà được xem là nơi chứa nhiều dư lượng kháng sinh và chất tăng trọng hơn cả – Một chuyên gia ngành chăn nuôi cho biết – Bởi vậy mà ở nước ngoài người ta thường thích dùng ức gà hơn là chân và cánh”. Ngoài ra, cũng không loại trừ những dấu hiệu về gian lận thương mại, tránh thuế nhập khẩu để tiêu thụ.
Nhìn về tổng thể, các chuyên gia đều cho rằng, lợi thế cạnh tranh thuộc về các nông dân Mỹ, vì giá thành nguyên liệu TĂCN tại Mỹ rất rẻ. Giá đậu tương tại Mỹ là 9.000 đồng/kg còn tại Việt Nam là 16.000 đồng/kg.
Mỹ cũng áp dụng mô hình nuôi gà công nghệ, một trại gà tại Mỹ có số lượng gà lớp gấp 10, thậm chí 100 lần so với quy mô một trang trại gà tại Việt Nam hiện nay. Năng suất gà Việt Nam cũng còn thấp. Việt Nam phải mất từ 49 – 51 ngày mới nuôi được con gà đạt 2,2 kg, tỷ lệ này ở thế giới là 31 ngày. Chi phí TĂCN cũng như chi phí nhân công tăng lên rất nhiều trong quãng thời gian nuôi kéo dài thêm 20 ngày.
Phát huy nội lực
Một lãnh đạo nhà máy sản xuất thức ăn của Nhật Bản tại ÐBSCL nói với phóng viên: “Sự khác biệt giữa chăn nuôi tại Nhật Bản và Việt Nam đó là tại Việt Nam, người nông dân hưởng lợi ít mà các khâu trung gian, tiêu thụ lại hưởng lợi nhuận nhiều hơn”. Thậm chí, ông này còn nói: “Chúng tôi rất buồn khi phải chi phí rất nhiều hoa hồng cho các đại lý, mà lẽ ra, số tiền đó phải đến tay người nông dân”.
Nghiên cứu cho thấy, người chăn nuôi gà tại Việt Nam chỉ hưởng 5% lợi nhuận, còn lại 20% là thương lái, 33% là người bán.
Thức ăn là chi phí lớn nhất trong chăn nuôi gia cầm, nhưng giá cả ngày càng tăng. Một nghịch lý là khi chăn nuôi gia cầm phát triển hơn, đầu năm đến nay tổng đàn gia cầm tăng 10%, lượng thức ăn gia cầm được tiêu thụ nhiều hơn mà giá thức ăn không giảm đi, thậm chí tăng cao. Cụ thể, so với vùng kỳ năm trước, giá thức ăn hỗn hợp cho gà thịt 8 tháng đầu năm 2019 đã tăng 6,27%.
Rất nhiều chuyên gia nước ngoài đã đề xuất trong các hội thảo khoa học về ngành chăn nuôi tại Việt Nam đều cho rằng Việt Nam nên chủ động nguyên liệu TĂCN. Diện tích gieo trồng ngô cả nước đạt 1,1 triệu ha, năng suất trung bình toàn quốc dao động từ 47 – 48 tạ/ha, sản lượng ngô 5,2 – 5,3 triệu tấn. Theo tính toán của Cục Chăn nuôi, nhu cầu ngô làm TĂCN của Việt Nam, khoảng 12 – 13 triệu tấn, do đó phải nhập khẩu 8 triệu tấn ngô mỗi năm.
Ước tính khối lượng ngô nhập khẩu trong 8 tháng đầu năm 2019 lên hơn 6,4 triệu tấn, trị giá hơn 1,3 tỷ USD, tăng 6,7% về khối lượng và tăng 7,21% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Khối lượng và kim ngạch nhập khẩu đậu tương trong 8 tháng đầu năm 2019 cũng lên tới 1,1 triệu tấn và 446 triệu USD. Diện tích trồng đậu nành cả nước mới chỉ 100.000 ha, đủ đáp ứng 10% nhu cầu, còn lại buộc phải nhập khẩu.
Ðể có thể phát huy nội lực, kết hợp hài hòa nhịp nhàng giữa trồng trọt chế biến và chăn nuôi xuất khẩu, chắc chắn ngành nông nghiệp cần khẩn trương tích cực phát triển các vùng nguyên liệu sản xuất TĂCN, trong đó điển hình nhất là cây ngô và đậu tương.
Nguồn: tapchigiacam.vn